Tổng quan Mô hình Solow–Swan

Mô hình tân cổ điển là sự mở rộng của mô hình Harrod-Domar năm 1946, được thêm vào một nhân tố mới: tăng trưởng năng suất. Những đóng góp quan trọng đối với mô hình là nhờ vào công trình của Solow và Swan năm 1956, những người đã độc lập phát triển các mô hình tăng trưởng tương đối đơn giản. Mô hình của Solow khá phù hợp với số liệu về tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ[3]. Năm 1987, Solow đã được trao giải Nobel về Kinh tế nhờ vào đóng góp của ông. Ngày nay, các nhà kinh tế sử dụng cách tính toán các nguồn gốc của sự tăng trưởng của Solow để ước lượng các ảnh hưởng riêng biệt lên tăng trưởng kinh tế của sự thay đổi công nghệ, nguồn vốn và lao động[4].

Sự mở rộng của mô hình Harrod - Domar

Solow đã mở rộng mô hình Harrod-Domar bằng cách:

Đưa lao động vào như là một nhân tố sản xuất;

Tỷ lệ lao động-nguồn vốn không được cố định như trong mô hình Harrod-Domar. Những cải tiến này cho phép gia tăng cường độ của nguồn vốn để có thể tách biệt ra so với tiến bộ công nghệ.

Tác động ngắn hạn

Trong ngắn hạn, tăng trưởng được xác định bằng sự dịch chuyển đến trạng thái dừng mới, trạng thái mà chỉ được tạo ra từ sự thay đổi trong nguồn vốn đầu tư, lực lượng lao động và tỷ lệ khấu hao. Sự thay đổi trong nguồn vốn đầu tư bắt nguồn từ sự thay đổi trong tỷ lệ tiết kiệm.

Tác động dài hạn

Mô hình Solow tiêu chuẩn dự đoán rằng trong dài hạn, tăng trưởng chỉ có thể đạt được thông qua tiến bộ công nghệ. Mô hình Solow được sử dụng để cho phép một điều kiện tăng trưởng được tiếp diễn trong dài hạn.